[Chia sẻ] Một số kinh nghiệm chọn laptop học tập cho sinh viên
Đầu tiên: nên chọn MacBook hay laptop chạy Windows?
Những chiếc laptop Windows hiện nay tuy vẫn giữ được vai trò “làm được mọi thứ, cài được mọi app, chơi được mọi game” nhưng sự quyến rũ của MacBook đến từ thiết thiết kế, giá chấp nhận được và hệ điều hành ổn định cũng khiến cho không ít các bạn học sinh/sinh viên muốn dùng thử và gắn bó. Nhưng để phục vụ công việc học tập thì phải bàn tới nhiều yếu tố, đầu tiên mình sẽ liệt kê các ưu/nhược điểm của hai loại laptop này cho các bạn tham khảo:
Laptop Windows:

- (+) Chạy hệ điều hành Windows: gần như có tất cả mọi thứ từ phần mềm, game cho đến các tool chuyên dụng được viết ra bởi những developer nhỏ lẻ. Nếu bạn tìm kiếm một phần mềm nào trên Internet, gần như chắc chắn nó sẽ hỗ trợ Windows trước, sau đó mới đến phiên bản cho macOS.
- (+) Giá bán rất rẻ: 6 triệu cũng mua được một chiếc laptop mới chạy hệ điều hành Windows. Cho nên khi cần một cái laptop “miễn là chạy được vài app cơ bản” thì laptop Windows luôn có những lựa chọn với giá bán rất phải chăng.
- (-) Rớt giá nhiều: laptop Windows có chung số phận với phần cứng/linh kiện PC đó là bắt đầu rớt giá nhiều chỉ sau 1-2 năm. Nguyên do là phần cứng phát triển quá nhanh, các hãng cũng ra mắt nhiều sản phẩm để bám theo phần cứng mới cho nên các sản phẩm cũ nhanh chóng bị lỗi thời. Dẫn đến việc muốn bán được máy thì thông thường bạn phải chịu lỗ không ít.
- (-) Hệ điều hành kém ổn định: nhiều lỗi vặt, đôi khi khó hiểu đến nỗi không tìm được cách xử lý, không được tối ưu tốt từ phần cứng đến phần mềm, nhiều khi phải cài lại toàn bộ hệ điều hành mới cảm thấy “khỏe” và tần suất cài lại hệ điều hành nhiều hơn so với khi dùng macOS.
MacBook:

- (+) Đẹp: MacBook Pro, MacBook Air, MacBook (12”) đều có thiết kế đơn giản, đẹp và tinh tế. Những laptop khác nếu cũng đẹp thì thường đều nằm ở phân khúc cao cấp với giá cũng cao không kém (trên 20 triệu).
- (+) Hệ điều hành ổn định, mượt mà: macOS được hoàn thiện tốt hơn Windows, ít bị lỗi vặt và lag. Với MacBook, nhiều khi 1-2 năm bạn mới có ý muốn cài lại hệ điều hành cho nó sạch và chạy nhanh.
- (+) Rớt giá ít: MacBook rớt giá khá ít bởi vì nhiều lý do: Apple tung ra model mới không nhiều (đôi khi mất nhiều năm mới có một model nâng cấp lớn) và các model cũ vẫn còn hoạt động rất tốt sau nhiều năm. Người dùng phổ thông một khi đã dùng MacBook thì ít khi phải nâng cấp lên các model mới vì MacBook cũ của họ vẫn còn dùng tốt. Đó là lý do khiến cho MacBook dù cho cũ thì còn rất có giá.
- (-) Giá cao: Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng cái khó khăn đầu tiên khi muốn đến với MacBook đó là giá bán của chúng rất cao. Khởi điểm ở mức trên 20 triệu và hiện tại một chiếc MacBook Pro 15″ 2017 Touch Bar 512 GB có giá chính hãng ở VN là 70 triệu đồng.
- (-) Khó khăn trong việc kiếm phần mềm: Mình hay nói vui với mọi người là dùng macOS phải có bản lĩnh. Bản lĩnh trong việc tự tìm các giải pháp thay thế mỗi khi macOS không có phần mềm mà bạn muốn xài. Lúc đó bạn phải tự tìm phiên bản cho macOS hoặc là kiếm một phần mềm khác có chức năng tương đương và thay thế được. Việc tìm phần mềm để phục vụ nhu cầu sử dụng đôi khi tốn rất nhiều thời gian và cái mà bạn tìm được chưa chắc đã chạy tốt như bên Windows
TƯ VẤN: Nên chọn cấu hình theo những yếu tố nào?
1. Học môn gì?
Bạn phải biết ngành mà bạn học sử dụng những phần mềm gì, chúng yêu cầu cấu hình máy tính thế nào, có yêu cầu gì đặc biệt thêm không (ví dụ như hỗ trợ ảo hóa/Virtualization từ phần cứng, yêu cầu máy chạy liên tục trong thời gian dài…). Hãy tìm hiểu và cả tham khảo thêm những người đã dùng xung quanh để có được một “cấu hình cơ bản” ở trong đầu.
2. Có sử dụng phần cứng hay không?
Từ “cấu hình cơ bản” đó, bạn hãy xem tiếp việc học của bạn có liên quan đến phần cứng gắn ngoài không. Vì không phải cứ đáp ứng được cấu hình yêu cầu của phần mềm là máy sẽ chạy ngon lành trong mọi tình huống. Ví dụ phần mềm Photoshop yêu cầu máy tính phải có cấu hình A để chạy được, nhưng thực tế khi bạn làm việc với một file .PSD nặng, kích thước lớn, có nhiều layer thì cấu hình A không còn đủ sức để xử lý nhanh nữa mà sẽ chạy rất chậm và nặng nề.

Hoặc khi bạn học chỉnh sửa ảnh, mà ảnh thì phải import từ nhiều loại máy, lúc đó bạn phải quan tâm thêm việc sức mạnh của máy đủ mạnh để xử lý tới đâu. Một chiếc laptop có thể import và xử lý ảnh chụp từ iPhone/Android rất nhanh và mượt mà, nhưng khi import hình từ một chiếc Nikon D810 chuyên nghiệp thì bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt về thời gian import hình, thời gian xử lý từng tấm hình và thời gian export file đó.
LỜI KHUYÊN THỰC TẾ
Mặc dù mình gắn bó với MacBook từ nhiều năm nay nhưng laptop Windows vẫn là cái mang lại cho mình cảm giác đa năng nhất. Bởi vì ngoài nhu cầu làm việc, nó còn giúp cho mình chơi được rất nhiều game và có khả năng tương thích rất cao với các thiết bị như màn hình, máy chiếu, thẻ nhớ, app… mà không cần dùng đến adapter.
Nếu chọn MacBook, hãy chuẩn bị tinh thần là bạn sẽ phải tốn thêm nhiều tiền nữa cho việc mua các adapter gắn ngoài. Điển hình như những chiếc MacBook chỉ dùng cổng USB-C, bạn phải mua adapter USB-C ra USB-A để xài với những thứ còn dùng USB-A, phải mua adapter USB-C ra HDMI để xài với máy chiếu/màn hình ngoài, adapter ra đầu đọc thẻ thớ…
Những người đã dùng MacBook/macOS thì ít ai muốn quay lại dùng Windows, trừ khi đặc thù công việc của họ buộc phải dùng Windows.
Nguồn: Sưu tầm (tinhte.vn)